Binh lực và kế hoạch Chiến_dịch_Leningrad-Novgorod

Quân đội Liên Xô

Binh lực

Do các hệ thống phòng thủ của quân Đức được xây dựng và củng cố trong một thời gian dài, quân đội Liên Xô trong chiến dịch này đã tập trung một lượng cực kì lớn binh lực để đảm bảo đục thủng phòng tuyến của quân địch. Hai phương diện quân Volkhov và Leningrad đã có 4 tháng để chuẩn bị và vì vậy đến trước khi chiến dịch mở màn, quân đội Liên Xô đạt được ưu thế rất lớn về quân số và vũ khí, trang bị.

Phương diện quân Leningrad đóng dọc trên các tuyến ở sông Neva, vịnh Phần Lan, bờ nam của hồ Ladoga từ Moskovskoy Dubrovki (???) tới Gontovoy Lipki (???) và cả vùng bàn đạp Oranienbaum (Lomnosov) (khi TDQ xung kích số 2 được chuyển giao cho PDQ Leningrad vào mùa thu năm 1943). Binh lực gồm 30 sư đoàn bộ binh, 3 lữ đoàn bộ binh, 4 lữ đoàn xe tăng, 3 đơn vị tăng cường và một lượng đáng kể các lực lượng pháo binh và công binh với quân số 417.600 người. Theo hỗ trợ cho PDQ Leningrad là Hạm đội Baltic với quân số là 89.600 người.[5]

Phương diện quân Volkhov ban đầu đóng quân trên tuyến từ Gontovo Lipky đến Lezno, tiếp đó là tuyến sông Volkhov tới hồ Ilmen. Binh lực gồm 22 sư đoàn bộ binh, 6 lữ đoàn bộ binh, 4 lữ đoàn xe tăng, 14 trung đoàn và tiểu đoàn xe tăng và pháo tự hành, 2 đơn vị tăng cừong và một lượng đáng kể đại bác và súng cối với quân số 260.000 người.[5]

Phương diện quân Baltic 2 chống giữ tuyến từ hồ Ilmen tới hồ Neshcherdo. Binh lực tổng cộng gồm 45 sư đoàn bộ binh, 3 lữ đoàn bộ binh, 4 lữ đoàn xe tăng, 1 đơn vị tăng cường và các đơn vị pháo binh, công binh.[11] Tính riêng Tập đoàn quân xung kích số 1 có 54.900 người.[5]

Binh lực tổng cộng của phía Liên Xô trong trận này là 1.252.000 người (một số nguồn khác cho con số khoảng 90 vạn người), 1.580 xe tăng và pháo tự hành, 20.183 đại bác và súng cối, 1.386 máy bay (trong đó có 330 máy bay ném bom tầm xa).[2]

Ngoài ra, hoạt động ở hậu cứ quân Đức còn có 13 lữ đoàn du kích với tổng quân số 35.000 người[12] có nhiệm vụ mở rộng các căn cứ kháng chiến và nổi dậy của quân chúng, tiêu diệt các chính quyền thân Đức ở địa phương, bảo vệ người dân khỏi bị giết hại hay bị đưa sang Đức, và phá hoại hệ thống liên lạc, hậu cần bằng đường bộ và đường sắt của quân địch.

Kế hoạch

Vào đầu tháng 9 năm 1943, các chỉ huy của phương diện quân Volkhov và Leningrad bắt đầu soạn thảo các kế hoạch tấn công quy mô lớn nhằm vào Cụm Tập đoàn quân Bắc, và vấn đề này cũng được đem ra trình bày, thảo luận tại hai cuộc họp tại Đại bản doanh 9 và 14 tháng 9.[13][14]. Kế hoạch chung là sẽ mở hai chiến dịch tấn công quy mô lớn nhằm đánh sập hai cánh của Tập đoàn quân số 18 (Đức), sau đó là lực lượng chính và tiếp theo là cắt đường lui của quân địch. Quân đội Liên Xô sẽ tấn công theo ba hướng, bắt nguồn từ bàn đạp Oranienbaum vừa mới được giải phóng không lâu trước đó, từ Điểm cao Pulkovo và từ các cứ điểm xung quanh Novgorod.[13] Chiến dịch dự kiến sẽ bắt đầu vào mùa đông khi binh lực đã chuẩn bị đầy đủ và mặt băng đủ dày để pháo binh băng qua.[13]

Hai kế hoạch tấn công, Neva I và Neva II, được đề xuất. Kế hoạch Neva I được đưa ra dựa trên giả thuyết rằng, trước sức ép từ các khu vực khác, quân đội Đức tại miền bắc Liên Xô sẽ tự động rút lui khỏi Leningrad và trên đường đi cũng sẽ không quên thực hiện chính sách tiêu thổ[15], điều mà phía Liên Xô tin rằng rất có khả năng xảy ra.[13] Theo đó, quân đội Liên Xô buộc phải thường xuyên tổ chức do thám, trinh sát động tĩnh của quân địch và khi thấy có dấu hiệu rút quân thì phải lập tức tấn công. Đối với kế hoạch Neva II, quân Đức được dự đoán là sẽ chưa rút binh trong vòng vài tháng tới.[13][16]

Ban đầu, khi tính toán về khả năng quân Đức rút lui về tuyến Panther-Wotan, quân đội Liên Xô dự tính sẽ tổ chức hợp vây toàn bộ Cụm Tập đoàn quân Bắc, cắt đứt lực lượng này khỏi khu vực Đông Phổ[17], tiến tới giải phóng toàn bộ tỉnh Leningrad và các nước vùng Baltic. Lúc này, phương diện quân Baltic 2 được giao nhiệm vụ tấn công theo hướng Idritsa[18], còn phương diện quân Kalinin thì tấn công Vitebsk, sau đó phát triển lên hướng Polotsk, Dvinsk và cuối cùng là giải phóng Riga - thủ đô của Latvia[19]. Phương diện quân Tây Bắc sẽ tiến về Pskov còn phương diện quân Volkhov đánh vào Novgorod và sau đó là Luga. Tuy nhiên, các kết quả tại Chiến dịch tấn công Nevelchiến dịch Gorodok hồi cuối năm 1943 tỏ ra khá khiêm tốn và không đủ để đem lại lợi thế cho một cuộc tiến công chóng vánh và táo bạo như trên[20].

Thấy rõ ý định bao vây toàn bộ cụm Tập đoàn quân Bắc là không thực tế, STAVKA quyết định thu hẹp quy mô chiến dịch về khu vực mặt trận của các phương diện quân Leningrad và Volkhov - hai PDQ có sự chuẩn bị tốt nhất cho đợt tấn công sắp tới. Mục đích của chiến dịch lần này là giải phóng tỉnh Leningrad, phá giải hoàn toàn sự uy hiếp đối với thành phố cùng tên và từ đó giúp quân đội Liên Xô giành được ưu thế quan trọng tại khu vực Baltic. Mục tiêu của các phương diện quân Leningrad, Volkhov không gì khác chính là đánh bại Tập đoàn quân số 18 (Đức) - đối thủ dai sức của họ trong suốt mấy năm qua. Phối hợp với hai phương diện quân trên là phương diện quân Baltic 2, với nhiệm vụ tấn công vào Nevel và phát triển lên Idritsa Novosokolniki nhằm cắt đứt tuyến liên lạc của quân Đức và ghim giữ Tập đoàn quân số 16 (Đức) cùng các lực lượng dự bị của Cụm Tập đoàn quân Bắc. Tiếp đó, cả ba phương diện quân sẽ tiến về phía Narva, Pskov, đánh bại Tập đoàn quân số 16, giải phóng tỉnh Leningrad và tạo tiền đề cho các đợt tấn công kế tiếp ở vùng Baltic. Đồng thời, nếu quá trình tấn công Tập đoàn quân số 16 diễn ra thuận lợi, quân đội Liên Xô vẫn có cơ hội tổ chức bao vây tiêu diệt cụm Tập đoàn quân Bắc như dự kiến ban đầu.

Hạm đội Baltic được giao nhiệm vụ đưa Tập đoàn quân xung kích số 2 của I. I. Fedyuninsky băng qua hồ Ladoga tới Oranienbaum. Từ ngày 11 tháng 5 năm 1943, Hạm đội đã vận chuyển 30.000 người, 47 xe tăng, 400 đại bác, 1.400 xe tải và 10.000 tấn quân nhu, đạn dược từ các cầu tàu của các nhà máy tại Leningrad, Kanat và căn cứ hải quân tại Lisy Nos tới Oranienbaum.[21] Sau khi hồ Ladoga đóng băng, thêm 22.000 binh sĩ, 800 xe tải, 140 xe tăng và 380 đại bác đã được vận chuyển qua mặt băng trên hồ tới điểm tập kết.[21] Sau khi việc vận chuyển hoàn tất, pháo binh được triển khai trên toàn bộ chiều dài mặt trận của các phương diện quân Leningrad, Baltic 2 và Volkhov với mật độ 200 đại bác trên một cây số mặt trận, bao gồm 21.600 đại bác, 1.500 dàn tên lửa Cachiusa, và 600 đại bác chống tăng.[21] 1.500 máy bay cũng được hạm đội Baltic chuyên chở và triển khai xung quanh Leningrad.[21][22] Binh lực tổng cộng của quân đội Liên Xô là 1.241.000 người, chống lại 741.000 lính Đức.[23] Tiếp đó, vào ngày 11 tháng 1 các chỉ huy quân sự Xô Viết họp mặt lần cuối trước trận đánh tại Smolny.[24] Đại tướng L. A. Govorov, tư lệnh phương diện quân Leningrad, liệt kê các mục tiêu của ông. Nhằm mục đích khai thông hai tuyến đường sắt chính, với điểm kết thúc tại ga Moskovskyga Ladozhsky, quân đội Liên Xô buộc phải đánh chiếm Gatchina rồi từ đó tấn công thành phố Mga, đầu mối giao thông đường sắt ở ngoại ô Leningrad và là điểm chót của con đường sắt tiến vào Leningrad. Tiếp đó, Govorov triển khai binh lực dựa theo các mục tiêu đã đề ra.[24]

Quân đội Đức Quốc xã

Binh lực

Theo các số liệu của Liên Xô, cụm Tập đoàn quân Bắc có 741.000 quân, 385 xe tăng, 10.070 đại bác và súng cối, 370 máy bay. Số liệu của phía Đức vào ngày 14 tháng 10 năm 1943 là 601.000 người, 146 xe tăng, 2.398 đại bác và súng cối. Theo David M. Glantz, quân Đức có 500.000 người, 2.389 đại bác và súng cối, 146 xe tăng, 140 máy bay.

Kế hoạch

Từ cuối năm 1943 trở đi, tình hình của Cụm Tập đoàn quân Bắc trở nên xấu đi một cách nghiêm trọng. Sư đoàn Xanh Lam của Tây Ban Nha và ba sư đoàn Đức khác đã bị rút đi từ hồi tháng Mười, trong khi đó Cụm Tập đoàn quân Bắc phải nhận thêm việc phòng thủ 60 dặm mặt trận chuyển từ Cụm Tập đoàn quân Trung tâm. Để thay thế cho các lực lượng bị lấy đi, Cụm TDQ Bắc được bù đắp bằng Binh đoàn Xanh Lam (những gì còn sót lại sau khi Sư đoàn Xanh Lam bị giải thể) cùng với 3 sư đoàn SS. Trong tình trạng bi đát đó, các chỉ huy của Cụm Tập đoàn quân Bắc quyết định thảo một kế hoạch rút quân về hậu tuyến để chiều dài mặt trận giảm đi 25 phần trăm và loại bỏ những chỗ lồi, chỗ lõm nguy hiểm mà quân đội Liên Xô có thể đánh vào. Kế hoạch lui binh này được đặt tên là "Xanh lam" và theo đó, trong tháng 1 năm 1944 thì quân Đức sẽ rút lui 150 dặm về một phòng tuyến tự nhiên được tạo thành bởi sông Narva, sông Velikaya, hồ Chudskoe (còn gọi là hồ Peipus) và Pskov. Vị trí đóng quân này, mang tên "tuyến Panther-Wotan", được chống đỡ bằng những công sự được xây dựng từ hồi tháng 9 năm 1943. Quá trình lui binh sẽ diễn ra theo từng giai đoạn, sử dụng những phòng tuyến tạm thời làm trung gian giữa các giai đoạn - quan trọng nhất trong số này là tuyến Rollbahn được tạo thành bởi tuyến đường sắt Tháng Mười chạy qua Tosno, LyubanChudovo. Tại đây, hai quân đoàn bị hở sườn nhiều nhất là các quân đoàn số 26 và 38 của Đức sẽ được tái tổ chức và nghỉ ngơi trước khi thực hiện giai đoạn cuối của cuộc lui binh tới tuyến Panther-Wotan.[25]

Sang đầu năm 1944, Cụm Tập đoàn quân Bắc tiếp tục nhận thêm những tin xấu khi Hitler từ chối mọi lời thỉnh cầu về một cuộc lui quân sớm về tuyến Panther. Ông ta vẫn cố chấp yêu cầu quân Đức phải giữ chân quân đội Liên Xô càng xa nước Đức càng tốt và chống giữ quyết liệt từng thước tấc mặt trận. Thêm vào đó, Hitler lại chuyển 3 sư đoàn tinh nhuệ của Cụm Tập đoàn quân Bắc về cho Cụm Tập đoàn quân Nam của thống chế Erich von Manstein - lúc này đang bị quân đội Liên Xô liên tục dồn đuổi về phía sông Dniepr. Tất cả điều này khiến Cụm Tập đoàn quân Bắc lâm vào tình thế hết sức bấp bênh và luôn đón chờ đợt tấn công mới của Hồng quân với thái độ cực kì bi quan.[25]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Leningrad-Novgorod http://www.secondworldwarhistory.com/siege-of-leni... http://ww2stats.com/cas_ger_okh_dec44.html http://www.gutenberg-e.org/esk01/esk05.html http://www.1942.ru/book/wolchow900.htm http://9may.ru/07.03.1944/inform/m4598 http://leningradblokada.ru/na-podstupach-k-leningr... http://lib.ru/MEMUARY/1939-1945/KRIWOSHEEW/poteri.... http://militera.lib.ru/docs/da/blocade/index.html http://militera.lib.ru/docs/da/stavka_vgk/index.ht... http://militera.lib.ru/h/leningrad/10.html